Chuyển đến nội dung
Diễn đàn CADViet
mr.vui

Đến với bài thơ hay

Các bài được khuyến nghị

"Ông Đồ " một di sản văn hoá Việt Nam

Quán Anh

Mùa xuân 1936 (thời "ông Nghè, ông Cống cũng nằm co" như Tú Xương đã nói), bài thơ "Ông đồ" của nhà thơ Vũ Đình Liên (VĐL)(*) đăng trên báo Tinh hoa nhanh chóng được nhiều người tìm đọc. Lớp người yêu thích tuyệt tác ấy của Thơ Mới nay đã ngoài bảy, tám mươi, qua các phố Hàng Lược, Hàng Mã Hà Nội không khỏi thương cảm "ông đồ già" ngày xưa ngồi viết câu đối thuê ở hai bên hè phố. Mỗi độ hoa đào làm duyên với gió đông, khi người Hà Nội rạo rực hướng về Tết ta lại nhớ cảnh nhà thơ Vũ Đình Liên miêu tả:

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực Tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua.

 

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

"Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay!"

 

Hình ảnh "Ông đồ già" - "cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn" (lời của Vũ Đình Liên) đã in đậm một nét vào lịch sử văn học Việt Nam như một nghĩa cử. Ai mà không hoài cổ, xót thương;

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thấm

Mực đọng trong nghiên sầu!

 

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay

 

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

 

Năm khổ thơ xinh xắn loang loáng vị Đường thi, nhịp thơ ngũ ngôn rất thích hợp với kể về chuyện buồn vui, được mất của con người, khiến người đọc của các thế hệ sau đọc bài thơ "Ông đồ" phần nào hình dung được ít nhiều quan niệm về ngày Tết, không khí Tết của thời xa xưa và Tết cũng là dịp để người làm thơ, viết báo có cơ hội bày tỏ những hiểu biết và tâm cảm của mình đối với thời điểm mang ý nghĩa thiêng liêng của sự chuyển vận đối với trời đất và con người.

 

Thơ "Ông đồ" của Vũ Đình Liên đã trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ tranh, cắt, ghép giấy màu thành tranh ông đồ, minh họa thơ "ông đồ", ông Lê Ngô Chân dịch "Ông đồ" sang tiếng Hán Cổ, ông Trương Lô viết "Ông đồ" thành hai bản Hán Nôm, "Ông đồ" đã được dịch ra 12 thứ tiếng trên thế giới... Thật hiếm có bài thơ hay được bạn thơ, bạn họa tâm đắc... như thế.

 

"Ông đồ già" là hình ảnh tinh thần của Vũ Đình Liên, là nhân vật gắn bó với hoa đào, giấy đỏ, câu đối Tết Việt Nam xưa, ông là hồn quê, hồn dân tộc. "Ông đồ" gợi nhớ mùa xuân, cũng như mùa xuân gợi nhớ "Ông đồ". Hình ảnh ông đồ vẫn còn đó, nhưng không còn ái ngại như tác giả: "Giấy đỏ buồn không thấm/mực đọng trog nghiên sầu".

Chia sẻ bài đăng này


Liên kết tới bài đăng
Chia sẻ trên các trang web khác

Thân mến tặng Anh Mr.vui và Chị Hà Anh, bài thơ về chia tay

 

BÀI THƠ CHIA TAY

 

Hồ Hữu Ngọc

 

Mùa hạ đến có ai ngồi chải tóc

Ai ngồi thương những năm tháng học trò

Nhưng tôi biết có ngườ buồn đến khóc

Thương bạn bè sắp biền biệt phương xa

 

Hàng cây bàng hết xanh rồi lại đỏ

Để người đi da diết mãi không thôi

Thời học sinh mộng mơ tinh nghịch

Nuối tiếc suy tư cũng xa rồi

 

Nhớ,nhớ lắm sao mà bình tĩnh được

Sân trường ơi ! Đám cỏ dịu dàng ơi !

Cây lá đỏ cây me vàng cây me hỡi

Bài thơ lòng viết mãi cứ dầy vơi

 

Ta gửi lại một thời thơ mộng nhất

Cái thời thương và nhớ đem cài

Rung cảm lắm nhưng nào đâu dám nói

Để phập phồng hồi hộp trái tim ai

 

Và tất cả bây giờ là kỉ niệm

Xin cảm ơn nỗi buồn cảm ơn cả niềm vui

Biết thế nào rồi cuối cùng vẫn nhớ

Nên tôi cầm khát vọng để trên tay ….

  • Vote tăng 2

Chia sẻ bài đăng này


Liên kết tới bài đăng
Chia sẻ trên các trang web khác

Không thể khác

NGỌC BÁI

 

Không thể khác và không thể nào khác

Những câu thơ định mệnh đã lập trình

 

Trời rét muộn

ữ này sao còn rét?

Lá phai dần xin cứ hỏi mùa đông

 

Không thể khác và không thể nào khác

Câu hát trên môi ngày tháng phôi phai

Đêm say ngủ

Sao con tim còn thức?

Mây mải về ngàn đường phố biết hỏi ai

9:30, 20/01/2010

 

Niềm vui và nỗi buồn nhân thế

Hữu Ước

 

Không thể khác

Biết là không thể khác

Người xa đã xa sông còn biết thở dài

 

Đã có lúc tôi tự hỏi

Ta là ai? Là ai?

Là của ta? Hay của vợ? của con? của anh em, bè bạn?

Là của cấp dưới? Cấp trên?

Là của họ mạc, làng quê?...

Tôi không có câu trả lời.

 

Đã có lúc tôi hoang mang và không biết

Mình là ai và không biết mình phải làm thế nào

Cho xứng và vừa lòng tất cả.

 

Tôi tự nhủ với chính mình

Tôi không biết tôi là ai và là người như thế nào

Tôi chỉ biết

Tôi là tôi - là tôi…

 

Dù có đắng cay, tủi nhục,

Dù có mất mát đau thương,

Dù có ngàn vạn lần ân hận,

Dù có mất đi tất cả,

Vinh quang, tình yêu, cuộc sống.

Tôi vẫn là tôi

Một trái tim, một tấm lòng

Chỉ yếu mềm trước sự chân thành và lòng tốt…

 

Dù dại dù khôn

Nó như một sự thật

Nắng mưa là chuyện của trời.

 

Ai bảo tôi dại?

Ai bảo tôi khôn?

Tôi vẩn vơ nghĩ

Khôn và dại không cần đáp số!

Đó là niềm vui và nỗi buồn nhân thế

Ai mà chẳng thế…

Đó cũng là chuyện của trời.

23h ngày 6/10/2009

  • Vote tăng 4

Chia sẻ bài đăng này


Liên kết tới bài đăng
Chia sẻ trên các trang web khác

Cuộc đời của Trần Tế Xương là cuộc đời của một nghệ sĩ, nhưng trước hết là một trí thức phong kiến. Ông thuộc loại nhà nho "dài lưng tốn vải" như trong bài Hỏi ông trời của ông:

Ta lên ta hỏi ông trời:

 

Trời sinh ta ở trên đời biết chi?

 

Biết chăng cũng chẳng biết gì:

 

Biết ngồi Thống Bảo, biết đi ả đầu

 

Biết thuốc lá, biết chè tàu

 

Cao lâu biết vị, hồng lâu biết mùi

 

Mọi chi tiêu trong gia đình đều do một tay bà Tú lo liệu. Điều đó đã đi vào thơ ca của ông: Tiền bạc phó cho con mụ kiếm hoặc là Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ hay là Nuôi đủ năm con với một chồng, rồi ông cũng tự cười mình trong bài Phỗng sành:

Ở phố Hàng Nâu có phỗng sành

 

Mắt thời thao láo, mặt thời xanh

 

Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó

 

Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh

 

Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ

 

Rượu chè trai gái đủ tam khoanh

 

Thế mà cứ nghĩ rằng ta giỏi,

 

Cứ việc ăn chơi chẳng học hành

 

Cuộc đời ông chỉ gắn liền với thi cử, tính ra có tất cả 8 lần. Đó là các khoa: Bính Tuất (1886); Mậu Tý (1888); Tân Mão (1891); Giáp Ngọ (1894); Đinh Dậu (1897); Canh Tý (1990); Quý Mão (1903) và Bính Ngọ (1906). Sau 3 lần hỏng thi mãi đến lần thứ tư khoa Giáp Ngọ (1894) ông mới đậu tú tài, nhưng cũng chỉ là tú tài thiên thủ (lấy thêm). Sau đó không sao lên nổi cử nhân, mặc dù đã khá kiên trì theo đuổi. Khoa Quý Mão (1903) Trần Tế Xương đổi tên thành Trần Cao Xương tưởng rằng bớt đen đủi, nhưng rồi hỏng vẫn hoàn hỏng, đến phát cắu lên:

Tế đổi làm cao mà chó thế,

 

Kiện trông ra tiệp hỡi trời ôi !

 

Xã hội bấy giờ, cái bằng tú tài thuộc loại dang dở dở dang (tú tài không được thi Hội, cử nhân mới được thi, tú tài không được bổ quan, cử nhân mới được bổ). Cho nên đậu tú tài, muốn đậu cử nhân phải đợi 3 năm sau thi lại.

Sưu tầm

Chia sẻ bài đăng này


Liên kết tới bài đăng
Chia sẻ trên các trang web khác

THƠ CHÚC TẾT...2010

 

Tôi làm thơ chúc Tết .

Chào hai ngàn lẻ mười .

Xứ người xuân đón Tết .

Nỗi buồn nhiều hơn vui .

 

Anh từ An Giang đến .

Chị ở Bến Tre cũng sang .

Tôi sửa soạn trang hoàng .

Đón xuân cùng bè bạn .

 

Noel... ly rượu cạn .

Cụng ly đón New Year .

Đèn, nến màu rực rỡ .

Mưa bụi... bay đầy trời .

 

Giao thừa xuân đón Tết .

Thao thức mãi khôn nguôi .

Rượu làm đắng hồn tôi .

Cay cay nơi khoé mắt .

 

Xuân ơi ! Xuân có biết .

Nỗi buồn người đi xa .

Mỗi độ khi xuân đến .

Lòng lại nhớ quê nhà .

 

Vĩnh Sơn

 

--------/01/01/2010-------

Chia sẻ bài đăng này


Liên kết tới bài đăng
Chia sẻ trên các trang web khác

Thai Ba Tan - Những bài thơ tuyệt vời về rượu đàn ông phải đọc

THO SAY

 

ÔMA KHAYYAM

 

Ôma Khayyam sinh năm 1040 ở thành phố Nissapurê (miền đông Iran ngày nay), lớn lên nổi tiếng khắp cả vùng Trung Á rộng lớn như một nhà triết học, toán học, thiên văn học kiệt xuất của thời đại. Ông được vua chúa nhiều nước mời đến triều đình làm việc, là tác giả một loạt tác phẩm quan trọng về vật lý và toán học. Cuộc đời ông đầy những năm tháng lưu lạc và gian khổ. Ông đi nhiều, lang thang hết nước này đến nước khác, cuối cùng trở về thành phố quê hương và mất ở đó vào năm 1112. Hiện nay vẫn còn giữ được lăng mộ của ông ở Nisapurê.

 

Ôma Khayyam chỉ viết thơ trong những phút rảnh rỗi và buồn chán. So với các

công trình khoa học, di sản 450 bài bốn câu (rubai) của ông không lớn. Cho mãi tới thế kỷ 19, khi chưa được người châu Âu “phát hiện”, ông hầu như chỉ được biết đến như một nhà khoa học. Sau sự phát hiện đó, nghĩa là sau bản dịch tiếng Anh 75 bài của Fitzgerald (1809 – 1883) năm 1859, ông “đột nhiên” trở thành nhà thơ nước ngoài được ưa thích nhất ở châu Âu và châu Mỹ. Lúc ấy đã xuất hiện, có nơi còn giữ đến ngày nay, nhiều quán rượu và câu lạc bộ say mang tên ông.

 

 

7

Ai cũng biết là Khayam già yếu,

Ai cũng biết là Khayam nghiện rượu,

Nhưng chẳng ai hay chính nhờ rượu, Khayam

Mới thắng nổi cái buồn và cái yếu.

 

8

Khi đang tỉnh, như cua, tôi cứng đờ, gượng gạo.

Nhưng khi say đầu óc tôi không tỉnh táo,

Nên khoảng cách thiên thần giữa tỉnh và say

Là cái đích tôi tôn thờ, tôi mộng ảo.

................................................................................

(Thái Bá Tân dịch)

Xem toàn bài:

http://thaibatan.com/index.php?option=com_...1&Itemid=32

Chia sẻ bài đăng này


Liên kết tới bài đăng
Chia sẻ trên các trang web khác
Thai Ba Tan - Những bài thơ tuyệt vời về rượu đàn ông phải đọc

THO SAY

Thơ rất khó hiểu vừa khuyên người ta không nên uống lại vừa khuyên uống rượu để giải sầu:

376

Người hiểu rõ luật thiên nhiên, chắc chắn

Không bao giờ quá say hay quá giận.

Biết mọi điều ác thiện sẽ trôi qua.

Mà thiện ác còn tùy ta nhìn nhận.

 

389

Không trốn được số trời, buồn làm gì?

Hơi đâu mà oán đời, buồn làm gì?

Hãy uống đi, quên mọi điều đau khổ.

Nào uống hết một hơi, buồn làm gì?

  • Vote tăng 1

Chia sẻ bài đăng này


Liên kết tới bài đăng
Chia sẻ trên các trang web khác

BÀI HỌC ĐẦU CHO CON

Đỗ Trung Quân

Quê hương là gì hở mẹ

Mà cô giáo dạy phải yêu

Quê hương là gì hở mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều

Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ con thả trên đồng

Quê hương là con đò nhỏ

Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương là cầu tre nhỏ

Mẹ về nón lá nghiêng che

Là hương hoa đồng cỏ nội

Bay trong giấc ngủ đêm hè

Quê hương là vòng tay ấm

Con nằm ngủ giữa mưa đêm

Quê hương là đêm trăng tỏ

Hoa cau rụng trắng ngoài thềm

Quê hương là vàng hoa bí

Là hồng tím giậu mồng tơi

Là đỏ đôi bờ dâm bụt

Màu hoa sen trắng tinh khôi

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương có ai không nhớ...

 

 

GỬI MẸ

Lưu Quang Vũ

Trên đời chẳng ai lo cho ta bằng mẹ

Cũng chẳng ai ta làm khổ nhiều như mẹ của ta

Mẹ ơi nếu con được sống lại tuổi thơ

Con sẽ chẳng bao giờ mải chơi trốn học

Đứa con trai nhiều lỗi lầm ương ngạnh

Sẽ không lần nào làm mẹ xót xa

  • Vote tăng 1

Chia sẻ bài đăng này


Liên kết tới bài đăng
Chia sẻ trên các trang web khác
.......

GỬI MẸ

Lưu Quang Vũ

Trên đời chẳng ai lo cho ta bằng mẹ

Cũng chẳng ai ta làm khổ nhiều như mẹ của ta

Mẹ ơi nếu con được sống lại tuổi thơ

Con sẽ chẳng bao giờ mải chơi trốn học

Đứa con trai nhiều lỗi lầm ương ngạnh

Sẽ không lần nào làm mẹ xót xa

Khi rời khỏi gia đình, xa rời vòng tay âu yếm của Mẹ, những bài học làm người của Cha, Con mới hiểu cần phải đi những bước đi vững chắc trong cuộc đời ...

 

"Con chưa một lần đặt bút viết về Cha

Giờ mới thấy con vô tình đến vậy

Nhìn vết xe đời con chợt thấy

Những vết nhăn của ngày tháng bôn ba ...

 

Chưa một lần con viết tặng Cha

Những dòng chữ cứ nhạt nhòa trước mắt

Giọt nước mắt hay mồ hôi Cha mặn

Giỏ xuống đời rồi lại thấm về đâu ...

 

Thấm về đâu giữa cuộc sống bao la

Cha ngẩng đầu giữa muôn vàn khó nhọc

Thương Cha nhiều nhưng con không thể khóc

Khóc rồi là yếu đuối phải không Cha?

 

Không biết bao lần con bước đi xa

Mỗi lần đi là biết bao nỗi nhớ

Mỗi lần đi là biết bao trăn trở

Con vẫn không quên lời dạy của Cha:

"Hãy ngẩng đầu rồi Con sẽ vượt qua

Vì Hạnh Phúc không dễ dàng mà có" ..."

ST

  • Vote tăng 3

Chia sẻ bài đăng này


Liên kết tới bài đăng
Chia sẻ trên các trang web khác

CHA TÔI

Cha tôi dáng dấp cao gầy

Một đời tận tụy nuôi bầy con yêu

Đi làm từ sáng tới chiều

Người là nhà giáo bao điều dậy con

 

Dậy con khi tuổi còn non

Mong con khôn lớn mỏi mòn Cha lo

Công Cha núi biển sánh bằng

Tình Cha chất chứa nhẹ nhàng tình thâm

 

Thương con giữ kín trong tâm

Tình không bộc lộ âm thầm chứa chan

Trải qua bao nỗi gian nan

Mẹ Cha lo lắng cho đàn con ngoan

 

Công Cha nghĩa Mẹ vô vàn

Làm con phải biết muôn ngàn nhớ ơn

Những đêm giấc ngủ chập chờn

Con nghe thấy tiếng Cha còn quanh đây

 

Nhớ Cha bao nỗi vơi đầy

Bóng hình Cha mãi tháng ngày con mang

Hôm nay lệ đổ hai hàng

Nhớ Cha con thắp nén nhang cho Người

PST

 

CHA….

Có phải con gái dễ gần cha hơn con trai…

Nên con chưa một lần được bá vai cha

Có lẽ trẻ thơ làm được những điều mà lớn như con bây giờ ao ước

Được cha hôn lên trán con một lần

Được cha xoa đầu với bàn tay gân guốc

Dẫu chỉ một lần mà sung sướng bao nhiêu!

Cha biết không

Có những lần con lặng đứng kề bên

Giọt nước mắt bổng rơi khi nhìn cha say giấc

Lao xao tiếng gió êm đềm

Tiếng thời gian gọi theo nhau chẳng dứt:

“Lại thật gần, thật gần…

Gần hơn một tí…”

Con ghét thời gian, thời gian làm con lớn,

Làm hằn vết chân chim, làm mái tóc nhuộm sương

Thời gian đi len lén, từng giấc ngủ lưng dần

Chỉ để lại tiếng thở dài, trở mình trong đêm vắng

Con rón rén lại gần

Bước đi như kẻ trộm

Để ngắm nhìn cha trước mỗi bận đi xa

Trăng qua cửa sổ

Trăng còn được ngắm nhìn cha cả mỗi lần tròn khuyết

Con chỉ ngắm cha thật gần trong mỗi lúc ngủ say,

Ngủ say cha nhé

Để nơi xa con vẫn thấy

Dáng cha thật đầy trong mỗi ánh trăng soi.

VUONGTHANH

 

Thanh Lam bật khóc trong đêm nhạc tặng cha

http://dantri.com.vn/c23/s23-352665/thanh-...ac-tang-cha.htm

  • Vote tăng 2

Chia sẻ bài đăng này


Liên kết tới bài đăng
Chia sẻ trên các trang web khác

Xin Đừng Trách Đa Đa

 

Sáng tác: Võ Đông Điền

Ca sĩ: Như Quỳnh

 

 

Rồi con chim đa đa,

ngẩn ngơ đứng trông về chốn xa.

Còn âm vang câu ca

ngày em bước chân đi theo chồng.

Lời ru nghe mênh mông

ngày đưa tiễn em rời bến sông.

Nhìn mấy trôi mênh mông,

nơi quê chồng em còn buồn không ?

 

Thời gian trôi qua mau

nhiều khi ngỡ như la giấc mơ.

Đời không như trong mơ

tình yêu có mấy ai đâu ngờ!

Thà như mây lang thang

nhờ cơn gió đưa về chốn xa.

Đừng như chim đa đa

sao vô tình cho buồn người ta.

 

Ai làm, ai làm cho giọt mưa tuôn

ướt con bướm vàng khi đậu nhánh mù u.

Chim chuyền nhành ớt nhành rau,

lấy chồng xa xứ biết đâu mà tìm.

Tìm em như thể tìm chim,

chim bay biển bắc anh tìm biển nam.

Chiều chiều, chiều chiều ra đứng bờ sông.

Giây phút chạnh lòng anh có trách đa đa.

Xin ai đừng trách đa đa,

xin ai đừng trách đa đa!

Chia sẻ bài đăng này


Liên kết tới bài đăng
Chia sẻ trên các trang web khác

Thời hoa đỏ

Thơ Thanh Tùng

 

Dưới màu hoa đỏ như lửa cháy khát khao

Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng

Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh

Chẳng chịu cho lòng ta yên

 

Anh mải mê về một màu mây xa

Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ

Vì cái vẻ thần kỳ của ngày xưa

Em hát một câu thơ cũ

Cái say mê một thời thiếu nữ

 

Mỗi mùa hoa đỏ về

Hoa như mưa rơi rơi

Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi

Như máu ứa một thời trai trẻ

 

Hoa như mưa rơi rơi

Như tháng ngày xưa ta dại khờ

Ta nhìn sâu vào mắt nhau

Mà thấy lòng đau xót

 

Trong câu thơ của em

Anh không có mặt

Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết

Anh đâu buồn mà chỉ tiếc

Em không đi hết những ngày đắm say

 

Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ

Không có ai có thể lạnh tanh

Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ

Như vết xước của trái tim

Sau bài hát rồi em lặng yên

Cái lặng im rực màu hoa đỏ

Anh biết mình vô nghĩa đi bên em

 

Sau bài hát rồi em như thể

Em của thời hoa đỏ ngày xưa

Sau bài hát rồi anh như thể

Anh của thời trai trẻ ngày xưa

 

Thời hoa đỏ

 

Thời Hoa Đỏ

Phổ nhạc: Nguyễn Đình Bảng

Thơ: Thanh Tùng

 

Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao

Bước lặng trên con đường vắng năm nao

Chỉ có tiếng ve sôi ồn ào mà chẳng cho lòng người yên chút nào

Anh mải mê về một màu mây xa

Cánh buồm bay về một thời đã qua

Em thầm hát một câu thơ cũ

Về một thời thiếu nữ say mê (về một thời hoa đỏ diệu kỳ)

Mỗi mùa hoa đỏ về hoa như mưa rơi rơi

Cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi

Như nuối tiếc một thời trai trẻ

Mỗi mùa hoa đỏ về hoa như mưa rơi rơi

Như tháng ngày xưa ta dại khờ

Ta nhìn sâu vào trong mắt nhau

Trong câu thơ của em anh không có mặt

Câu thơ hát về một thời yêu đương

Anh đâu buồn mà chỉ tiếc em không đi hết những ngày đắm say

Mỗi mùa hoa đỏ về hoa như mưa rơi rơi

Sau bài hát rồi em im lặng cái lặng im rực màu hoa đỏ

Sau bài hát rồi em như thể em của thời hoa đỏ ngày xưa

Sau bài hát rồi anh cũng thế ( hoa như mưa rơi rơi )

Anh của thời trai trẻ ngày xưa

Mỗi mùa hoa đỏ về hoa như mưa rơi rơi

Mỗi mùa hoa đỏ về hoa như mưa rơi rơi

Mỗi mùa hoa đỏ về hoa như mưa rơi rơi

  • Vote tăng 2

Chia sẻ bài đăng này


Liên kết tới bài đăng
Chia sẻ trên các trang web khác
Mỗi mùa hoa đỏ về hoa như mưa rơi rơi

Mỗi mùa hoa đỏ về hoa như mưa rơi rơi

Mỗi mùa hoa đỏ về hoa như mưa rơi rơi

Tiếng mưa như tiếng tằm ăn

Tiếng mưa như tiếng tằm ăn

Mùa hoa phượng chưa về

Em đã thấy hoa rơi

Cánh tan tác tả tơi

Trong âm thanh lời hát

Xin tặng anh bài hát

Cũng có tiếng mưa rơi

Tiếng mưa không tả tơi

Trong nỗi buồn hoang lạnh

 

DÒNG SÔNG QUÊ ANH – DÒNG SÔNG QUÊ EM

 

Nữ: Dòng sông Đáy quê em

Sông trăng hay sông lụa

Nong kén vàng như lúa

Trọn vạnh một góc trới

 

Nam: Dòng sông Đà quê anh

Đã rung rinh khúc hát

Nước reo thành điệu nhạc

Bờ cát trắng vô biên

 

Nữ: Dòng sông quê em

Nam: Dòng sông quê anh

 

NN: Sóng xanh như mắt trẻ

Sao giống nhau đến thế

Tiếng mưa như tiếng tằm ăn

Tiếng mưa như tiếng tằm ăn

Sông cho anh làm thơ

Về sức mạnh của sóng

Về tầm cao chiều rộng

Những thiết kế công trình

 

Nữ: Dòng sông quê em

Nam: Dòng sông quê anh

Dòng sông yêu thương

Dòng chung đôi ta

http://nghenhac.info/nhacvietnam_pm.asp?iF...70&iType=20

  • Vote tăng 2

Chia sẻ bài đăng này


Liên kết tới bài đăng
Chia sẻ trên các trang web khác

Nụ cười

Qua sông bỗng gặp nụ cười

Vớt lên lại sợ thuyền tôi chòng chành

Thả trôi lòng thấy không đành

Thôi thì như áo, quên cành hoa sen

 

Hôm sau qua ngõ người quen

Trầu têm còn đó mà em đâu rồi

Tôi đem tình cũ ra phơi

Tình cờ nhặt được nụ cười ai rơi!

Trần Tịnh Yên

 

Cay_cam.jpg

Chia sẻ bài đăng này


Liên kết tới bài đăng
Chia sẻ trên các trang web khác
Tiếng mưa như tiếng tằm ăn

Tiếng mưa như tiếng tằm ăn

Mùa hoa phượng chưa về

Em đã thấy hoa rơi

Cánh tan tác tả tơi

Trong âm thanh lời hát

Xin tặng anh bài hát

Cũng có tiếng mưa rơi

Tiếng mưa không tả tơi

Trong nỗi buồn hoang lạnh

 

DÒNG SÔNG QUÊ ANH – DÒNG SÔNG QUÊ EM

 

Nữ: Dòng sông Đáy quê em

Sông trăng hay sông lụa

Nong kén vàng như lúa

Trọn vạnh một góc trới

 

Nam: Dòng sông Đà quê anh

Đã rung rinh khúc hát

Nước reo thành điệu nhạc

Bờ cát trắng vô biên

 

Nữ: Dòng sông quê em

Nam: Dòng sông quê anh

 

NN: Sóng xanh như mắt trẻ

Sao giống nhau đến thế

Tiếng mưa như tiếng tằm ăn

Tiếng mưa như tiếng tằm ăn

Sông cho anh làm thơ

Về sức mạnh của sóng

Về tầm cao chiều rộng

Những thiết kế công trình

 

Nữ: Dòng sông quê em

Nam: Dòng sông quê anh

Dòng sông yêu thương

Dòng chung đôi ta

http://nghenhac.info/nhacvietnam_pm.asp?iF...70&iType=20

Chào bác Ngovinh,

Hề hề hề, không phải là : Đã rung rinh khúc hát đâu mà là Đá dựng thành dòng thác mới đúng. Hề hề hề...

Không phải Bờ cát trắng vô biên mà là Dòng than trắng vô biên bác ạ .....

  • Vote tăng 2

Chia sẻ bài đăng này


Liên kết tới bài đăng
Chia sẻ trên các trang web khác
Chào bác Ngovinh,

Hề hề hề, không phải là : Đã rung rinh khúc hát đâu mà là Đá dựng thành dòng thác mới đúng. Hề hề hề...

Không phải Bờ cát trắng vô biên mà là Dòng than trắng vô biên bác ạ .....

Cảm ơn bác đã nhắc nhở, Tam sao thất bản bác ạ!

 

Bài 8: Sao đêm chung sáng chẳng chia miền

Hiệp định Geneve, chia đôi đất nước. Nguyễn Bính theo tàu tập kết ra Bắc (thực chất là trở về cố hương, sau 11 năm “hành phương Nam”), để lại người vợ trẻ và đứa con mới chào đời. Ánh mắt của người vợ trẻ bồng con nhìn theo chồng trên bến tàu buổi tiễn đưa luôn là nỗi ám ảnh khôn nguôi trong cuộc đời nhà thơ Nguyễn Bính. Nỗi ám ảnh này đã hiện diện trong nhiều bài thơ của ông (Gởi người vợ miền Nam, Đêm sao sáng

Bài thơ được dịch giả P.V chuyển qua Pháp ngữ với tựa đề Nuit Étoilé (in trong cuốn Anthologie de la Poésie Vietnamienne do NXB W.E.F.R ấn hành ở Paris năm 1969

Có được bài thơ này, nhóm của ông Lý Nhân Phan Thứ Lang bèn nhờ nhà thơ Lê Vĩnh Thọ dịch ngược trở lại tiếng Việt, và đây là Đêm sao sáng của Nguyễn Bính được ông Lê Vĩnh Thọ dịch từ tiếng Pháp qua tiếng Việt:

“Những vì sao càng tiến lên cao

Bầu trời càng rõ vẻ thâm sâu

Ngân Hà để lộ đôi bờ lạnh

Ô Thước còn kia một nhịp cầu...

Nữ Thần Nông tìm hoài không thấy

Anh nhìn con Vịt lội sông Ngân

Sao Hôm như mắt em hiền dịu

Đẫm lệ hôm nao lúc biệt hành...

Long lanh rực rỡ một phương trời

Bắc Đẩu, chòm sao sáng tuyệt vờ

/Bao năm em ngắm! Em bên đó

Phương Nam bờ vĩ tuyến ngăn đôi...

Vô số vì sao đang lấp lánh

Soi chung quê mẹ cả hai miền

Trời còn có đêm không sao sáng

Anh chẳng đêm nào không nhớ em”.

Sau khi đất nước thống nhất (1975), ông Lý Nhân Phan Thứ Lang đã tìm mua được cuốn Đêm sao sáng của Nguyễn Bính (NXB Hà Nội, 1962), trong đó có bài thơ Đêm sao sáng với nguyên tác như sau:

“Đêm hiện dần lên những chấm sao

Lòng trời đang thấp bỗng nhiên cao

Sông Ngân đã tỏ đôi bờ lạnh

Ai biết cầu Ô ở chỗ nào?...

Tìm mũ Thần Nông chẳng thấy đâu

Thấy con Vịt lội giữa dòng sâu

Sao Hôm như mắt em ngày ấy

Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tàu...

Chòm sao Bắc Đẩu sáng tinh khôi

Lộng lẫy uy nghi một góc trời

Em ở bên kia bờ vĩ tuyến

Nhìn sao thao thức mấy năm rồi...

Sao đặc trời sao sáng suốt đêm

Sao đêm chung sáng chẳng chia miền

Trời còn có bữa sao quên mọc

Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em”.

Quả là... chuyện hy hữu, một bài thơ của tác giả trong nước mà người trong nước muốn đọc lại phải trải qua một “quá trình nhiêu khê” dịch qua, dịch lại từ tài liệu do người ở nước ngoài cung cấp... Thật may là “trình độ dịch” của nhà thơ Lê Vĩnh Thọ đã tỏ ra “có nghề” khi chuyển tải xuất sắc từ nội dung đến ý và tứ của tác giả với người đọc. Đây cũng là chuyện “xưa nay hiếm” trong làng văn VN.

Hà Đình Nguyên

Chia sẻ bài đăng này


Liên kết tới bài đăng
Chia sẻ trên các trang web khác

Ngã ba Đồng Lộc

Huy Cận

 

Con ơi, bố về thăm Hà Tĩnh quê ta,

Bố kể con nghe về ngã ba Đồng Lộc

Trên mặt đất này có muôn triệu ngã ba

Và có nhiều ngã ba nổi tiếng:

Có những ngã ba nối những dòng sông lớn của

một đại châu, sóng dựng trùng trùng;

Có những ngã ba nối những con đường dài chạy từ các thủ đô to

Như những mạch máu khổng lồ

Trên thân hình trái đất

Trong đó mỗi con người là một hạt hồng cầu đỏ chói,

Có những ngã ba là nơi gặp gỡ của những dòng

văn minh lớn, đông, tây, kim cổ....

Tất cả những ngã ba trên, con có thể học biết

(trong sách địa dư, trên những bản đồ),

Mai sau lớn lên con có thể đến thăm và chụp ảnh nữa...

Xong rồi, con có thể quên

Nhưng con ơi, con chớ có quên ngã ba Đồng Lộc.

 

Trong đời mỗi người cũng có những ngã ba đường quyết định,

Trong đời mỗi dân tộc cũng có những ngã ba

Những ngã ba vận mệnh

Những cái nút trên dặm dài lịch sử

Gặp những ngã ba đời, con sẽ nghĩ suy

Và con ơi, muốn tìm đúng hướng đi

Con sẽ nhó đến ngã ba Đồng Lộc

Ngã ba Đồng Lộc:

Là ngã ba nhưng nào có phân vân

Nào có đắn đo do dự!

Là ngã ba trên chặng đường quyết liệt

Nhưng hướng đi đã quyết

Không phải cho một lần

Mà cho tất cả mọi lần

Không phải cho một người

Mà cho tất cả quê hương, đất nước:

Hướng về Nam, một nửa mình Tổ quốc

 

Các ngã ba khác trên đời làm bằng nước, bằng

sông, bằng thuỷ triều lên xuống,

Hay bằng đá, bằng đất

Bằng xi măng cốt sắt

Bằng vôi trắng, gạch nâu

Bằng đèn xanh đèn đỏ đủ màu

Hay bằng những sự chênh vênh vấp ngã,

Nhưng ngã ba Đồng Lộc làm bằng xương máu.

Khi con về quê con nhớ viếng thăm

Mộ người cô kề bên đường đỏ.

Các cô như còn đứng đó

Chờ lấp hồ bom

Đường thông xe các cô mới đi nằm.

Các cô để lại tuổi thanh niên

Mười chín, hai mươi, hăm hai tuổi

Cho đất nước, quê hương

Hồn trong như suối,

Bình minh đời sáng rực vừng dương...

Con sẽ tìm thăm mời cô La Thị Tám

Từ trường học lại về trận địa đầu non

Đứng giữa đàn bò bê mũm mĩm

Trên sườn núi cao cỏ đã mượt màu xanh

Như mảng da non trên thân thể đang lành

Cô sẽ chỉ con xem

Những hồ bom loang lổ

Như đất trên mặt trăng

Mỗi thước vuông ba quả bom to bự

Cô sẽ chỉ con xem

Nghìn vạn điểm lăn bom nổ chậm

Cô từng đến cắm cờ

Mỗi lần chạy đua với cái chết.

Đôi chân cô nhanh hơn kíp nổ,

Cô là một ngọn cờ đỏ của quê ta.

Nghìn năm sau lịch sử sẽ còn ghi

Những năm tháng chiến tranh ác liệt

Nghìn vạn chuyến xe đi

Qua trái tim ngã ba Đồng Lộc

Máu qua tim máu lọc

Xe vượt ngã ba xe xốc tới miền Nam.

Và con ơi, bố ngồi nghĩ miên man:

Bạn bè ta trong cơn gió lốc

Hẳn cũng đang vượt những ngã ba Đồng Lộc,

Những ngã ba Việt Nam.

Dọc đường dài kẻ địch còn găm

Nhiều bom nổ chậm

Nhưng chẳng hề chi!

Khắp năm châu còn nhiều La Thị Tám.

Nhiều Võ Thị Tần

Đường sẽ thông xe đi về cách mạng.

 

Chị La Thị Tám chuyên phát hiện bom nổ chậm, cắm cờ bên cạnh bom để xe tránh, và để hướng dẫn đội công binh đến phá bom; chị đã được tuyên dương anh hùng.

Chị Võ Thị Tần đội trưởng đội thanh niên xung phong (10 cô) chuyên lấp hố bom, đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ: toàn tổ đã được tuyên dương anh hùng.

Hà Tĩnh 1971

Chia sẻ bài đăng này


Liên kết tới bài đăng
Chia sẻ trên các trang web khác

Có Một Bài Thơ Không Bươm Bướm

 

Đỗ Trung Quân

 

Không thể nói khác hơn rằng hôm nay - buổi sáng rất buồn.

Anh mất nửa giờ ở ngã tư quen thuộc,

chỉ vì một gã đụng người rồi bỏ chạy luôn ...

Gã đụng người chạy luôn còn anh đứng lạị

Rồi một "người anh em" đến làm chứng lập lờ.

Anh mất nửa giờ và mất luôn ... nửa phần lương tháng

- Hỏi em có thấy buồn không?

 

Hỏi em có thấy buồn không rằng chiều nay

anh đã có lần dừng trước người con gái hỏng xe

Rất lịch sự xin được làm anh chàng hào hiệp

Người con gái giật mình với cái nhìn nghi hoặc (!).

Rồi bỏ mặc anh chàng cụt hứng đứng ngẩn ngợ..

 

Có những lúc lòng buồn anh tự hỏi

Liệu lòng tin có cần chứng minh thư ?

Ví dụ như em lỡ độ đường và anh dừng xe lại

Em có ... mà thôi ! ...

 

Anh đã có những ngày buồn như thế

Trang thơ viết ra không có nổi chú bướm vàng

Nhưng anh vẫn tin một hôm nào xuống phố

Còn gặp những lòng người hóa bướm bay sang ...

  • Vote tăng 1

Chia sẻ bài đăng này


Liên kết tới bài đăng
Chia sẻ trên các trang web khác

Các vị La Hán chùa Tây Phương

Huy Cận

Chùa Tây Phương (Sơn Tây) có những pho tượng La Hán rất đẹp, rất sinh động tạc vào thế kỷ 18. Nhà nghệ sĩ xưa đã vô tình hay hữu ý mượn đề tài chuyện Phật mà miêu tả xã hội quằn quại đau khổ trong nhiều biến động, và bế tắc không tìm được lối ra.

 

Các vị La Hán chùa Tây Phương

Tôi đến thăm về lòng vấn vương.

Há chẳng phải đây là xứ Phật,

Mà sao ai nấy mặt đau thương ?

 

Đây vị xương trần chân với tay

Có chi thiêu đốt tấm thân gầy

Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt

Tự bấy ngồi y cho đến nay.

 

Có vị mắt giương, mày nhíu xệch

Trán như nổi sóng biển luân hồi

Môi cong chua chát, tâm hồn héo

Gân vặn bàn tay mạch máu sôi.

 

Có vị chân tay co xếp lại

Tròn xoe từa thể chiếc thai non

Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối

Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn....

 

Các vị ngồi đây trong lặng yên

Mà nghe giông bão nổ trăm miền

Như từ vực thẳm đời nhân loại

Bóng tối đùn ra trận gió đen.

 

Mỗi người một vẻ, mặt con người

Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời

Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã

Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi.

 

Mặt cúi nghiêng, mặt ngoảnh sau

Quay theo tám hướng hỏi trời sâu

Một câu hỏi lớn. Không lời đáp

Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.

 

Có thực trên đường tu đến Phật

Trần gian tìm cởi áo trầm luân

Bấy nhiêu quằn quại run lần chót

Các vị đau theo lòng chúng nhân ?

 

Nào đâu, bác thợ cả xưa đâu ?

Sống lại cho tôi hỏi một câu:

Bác tạc bấy nhiêu hình khô hạnh

Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau ?

 

Hay bấy nhiêu hồn trong gió bão

Bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời

Là cha ông đó bằng xương máu

Đã khổ, không yên cả đứng ngồi.

 

Cha ông năm tháng đè lưng nặng

Những bạn đương thời của Nguyễn Du

Nung nấu tâm can vò võ trán

Đau đời có cứu được đời đâu.

 

Đứt ruột cha ông trong cái thuở

Cuộc sống giậm chân hoài một chỗ

Bao nhiêu hi vọng thúc bên sườn

Héo tựa mầm non thiếu ánh dương.

 

Hoàng hôn thế kỷ phủ bao la

Sờ soạng, cha ông tìm lối ra

Có phải thế mà trên mặt tượng

Nửa như khói ám, nửa sương tà.

 

Các vị La Hán chùa Tây Phương!

Hôm nay xã hội đã lên đường

Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại

Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương.

 

Cha ông yêu mến thời xưa cũ

Trần trụi đau thương bỗng hoá gần!

Những bước mất đi trong thớ gỗ

Về đây, tươi vạn dặm đường xuân.

 

27-12-1960

  • Vote tăng 1

Chia sẻ bài đăng này


Liên kết tới bài đăng
Chia sẻ trên các trang web khác
Thôi thì đốt cháy một mảnh đời

Quên đi những tháng năm bỏ lại

Mỉm cười

Tan cái sự đời :undecided:)

Cuộc sống là gì, mỗi ngày cứ phải chạy theo

Chết - kết thúc, nhưng nhũng gì bỏ lại, có nhiều quá không

Món nợ tiền bạc, trả xong rồi thôi - nợ ân tình, có bao giờ trả hết

Này - Bạn tôi ơi, tỉnh lại đi nào - Phù du cả thôi

Có bao giờ bạn nhìn lại sau lưng

Cuộc sống còn muôn màu kỳ diệu

Một ráng chiều buông, một mặt trời hối hả

Và hơn nữa là những người mong bạn trở về

Về đi bạn, bao người vẫn mong mỏi

Những con người bình dị của cuộc sống đời thường

Về đi, bạn tôi ơi :(

QUÀ TẶNG ĐẠI HỘI HỘI NHÀ VĂN

Dư Thị Hoàn

Có gì quan trọng đâu

Chúng mình cùng lên sân khấu

Môi thâm má thắm

Diễn cho hết

Một thoáng trần gian

Có gì quan trọng đâu

Kịch bản đã dàn cảnh

Cứ thế nhập vai

Sao cho đài từ nằm lòng

Có gì quan trọng đâu

Vai Kiều nữ đầy đọa

Vai Tú bà hăm dọa

Vai Sở Khanh đào tẩu

Vai Từ Hải uy phong

Khóc cười cho thật đáo để !

Rồi lên voi

Rồi ngã ngựa

Mua vui thôi…

Mà chắc gì

đã được một vài trống canh!

Có gì quan trọng đâu

Gột rửa son phấn

Tẩy sạch mày râu

Gỡ bỏ đụn tóc

Trút cởi y trang

Chấm hết!

Tôi về đằng tôi

Người đi đằng người…

Có gì quan trọng đâu

Hết vở rồi mà

Sao anh còn ngất ngưởng

Sao em còn hờn dỗi

Sao chị còn sụt sùi?

Ô hay!

  • Vote tăng 1

Chia sẻ bài đăng này


Liên kết tới bài đăng
Chia sẻ trên các trang web khác

Ờ nhể!

Chúng mình cùng lên sân khấu

Diễn bi kịch đời người...

Có gì quan trọng đâu???

 

Tan vở kịch'

"Tôi về đằng tôi

Người đi đằng người…

Có gì quan trọng đâu

Hết vở rồi mà

Sao anh còn ngất ngưởng

Sao em còn hờn dỗi

Sao chị còn sụt sùi?"

 

Sao Mũn xinh giục giã

về đi bạn tôi ơi?????????????????

  • Vote tăng 1

Chia sẻ bài đăng này


Liên kết tới bài đăng
Chia sẻ trên các trang web khác

Rằm tháng Bảy nhớ Nguyễn Du

Sống ở xứ Sài Gòn hai mùa mưa nắng, liếc xem lịch bằng điện thoại di động, không có người nhắc thì dễ chừng không hay trời đã vào tiết lập Thu hơn nửa tháng nay.

Gần bốn trăm năm trước, ông Kim Thánh Thán - nhà lý luận văn học, mỹ học lừng danh của Trung Quốc từng ví von rằng: nếu buổi chiều là mùa Thu của một ngày thì mùa Thu là buổi chiều của một năm. Mùa Thu - buổi chiều, đó là khoảng thời gian con người thoát ra khỏi buổi trưa - mùa Hè sống động, ồn ã, để lắng lòng với không gian mát dịu, nhịp sống chậm lại, trải ra và nhiều khi quay về với nhớ nhung, hoài niệm…

 

Kim tiên sinh nói thật chí lý: sau lập Thu là đến rằm tháng Bảy - thời điểm để mọi người nhớ đến các bậc sinh thành, để thấm thía hơn nữa công đức của mẹ cha, để lách ra khỏi dòng chảy hối hả của cuộc sống và cảm nhận rằng trên đời này có những cái còn quý giá gấp vạn lần châu báu, danh vọng mà nếu mất đi là vô phương tìm lại được.

Nhưng rằm tháng Bảy cũng là ngày xá tội vong nhân - từ lòng tưởng nhớ người thân mở ra cho cả bao nhiêu số phận không may - những linh hồn bơ vơ, vất vưởng “trong trường dạ tối tăm trời đất”.

Sau Kim Thánh Thán khoảng hai trăm năm, thi hào Nguyễn Du viết Văn tế thập loại chúng sinh - một khúc tưởng niệm thấm đẫm chất nhân văn về thế giới của những người chết không đường siêu thoát:

“Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt;

Toát hơi may lạnh buốt xương khô…”

Trong áng văn bất hủ này, Nguyễn Du tỏ lòng xót thương các hạng người: từ bậc tướng soái, quan lại, văn nhân, công nương khuê các cho đến người hành khất, kẻ tù rạc, tiểu nhi, gái giang hồ…, gọi chung là thập loại chúng sinh chết thảm mà không người hương khói, phụng thờ.

Ở cái thế giới cô hồn ấy, giờ đây không còn bất cứ phân biệt nào: giàu nghèo, sang hèn, kẻ hiền người ngu mà tất cả đều cô đơn, đói khát, khổ đau, tội nghiệp như nhau. Cho nên các vong hồn ấy đều khẩn cầu được vỗ về, đều khẩn cầu được siêu thoát:

“Trong trường dạ tối tăm trời đất

Có khôn thiêng phảng phất u minh

Thương thay thập loại chúng sinh

Hồn đơn, phách chiếc lênh đênh quê người

Hương khói đã không nơi nương tựa

Phận mồ côi lần lữa đêm đen

Còn chi ai quý, ai hèn,

Còn chi mà nói ai hiền ai ngu…”

Nhưng có lẽ nhà thơ Tiên Điền mô tả cõi âm cũng là nhằm nói đến cõi dương, vẽ nên cảnh u ám, thê lương của thế giới cô hồn để cảnh tỉnh những tham vọng, ảo tưởng mà với lẽ biến dịch, vô thường, chúng chỉ là “bào ảnh” (bóng bọt nước).

Thì đây, những kẻ “mũ cao áo rộng” nắm quyền sinh quyền sát “ngọn bút son sống thác ở tay”, ấy thế nhưng “Thịnh mãn lắm, oán thù cũng lắm; Trăm loài ma sắm nắm xung quanh; Nghìn vàng không đổi được mình; Lầu ca, viện hát tan tành còn đâu…”.

Nào là những tướng soái “Đem mình vào cướp ấn nguyên nhung; Gió mưa sấm sét đùng đùng; Dãi thây trăm họ làm công một người”. Thế nhưng “Khi thất thế tên rơi đạn lạc; Bãi sa trường thịt nát máu rơi; Bơ vơ góc biển chân trời; Nắm xương vô chủ biết vùi nơi nao…”.

Rồi những kẻ “màn lan, trướng huệ” “cậy mình cung Quế, Hằng Nga”, chỉ qua một phen “thay đổi sơn hà” thì lập tức trở thành “mảnh thân chiếc lá” bị vùi dập tơi bời, đến nỗi: “Khi sao đông đúc vui cười; Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương”…

Trong Kiều, Nguyễn Du cũng đã đau đớn lòng với “một cuộc bể dâu”; ở đây lại cũng lắm cảnh biển dâu trong đời người khi “thế khuất vận cùng”, “phút đâu tro bay ngói lở”, “cùng đường lỡ bước”, “gặp cơn giống tố giữa dòng”… Bất ngờ, hư huyễn, có rồi không. Cho nên giữa cơn đắc chí đôi khi cũng nên nghĩ đến khi thất chí; lúc thành cũng nên tưởng đến khi bại, lúc phủ phê cũng nên nhớ thời đói rét, “được mùa chớ phụ ngô, khoai”. Nên khiêm cung, bớt kiêu căng cuồng vọng để hòa ái với người, với đời.

Từ một cậu ấm trong gia đình đại quý tộc mà vì thời thế xô đẩy phải qua hơn nửa đời lưu lạc, gia đình ly tán, ăn nhờ ở đậu, chịu cảnh đói khổ, ba mươi tuổi mà mái đầu đã bạc, Nguyễn Du có lẽ thấm thía hơn ai hết cái oan trái của cuộc đời. Và ông lấy tục cúng rằm tháng Bảy để nhắc nhở.

Nhiều khi, giữa xô bồ náo động của cuộc sống cũng cần lắng lòng chiêm nghiệm lẽ tồn vong, hưng phế; sau cái ầm ĩ chói chang của ngày Hè cũng nên dành một chút thời gian suy tưởng về phận người trong buổi chiều tàn mùa Thu.

Theo Kinh tế Sài Gòn

Chia sẻ bài đăng này


Liên kết tới bài đăng
Chia sẻ trên các trang web khác

Em xin phép được bổ sung thêm mấy câu thơ về Trắc Địa

 

"Nắng Trắc Địa thiêu đốt đời trai trẻ

Mưa núi rừng vùi lấp tuổi thanh xuân

 

Cầm vàng còn sợ vàng rơi

Lấy chồng Trắc Địa đời đời ấm no!

 

Có anh Trắc Địa đến nhà

Một là mất vợ hai là thêm con!!!

 

Trắc Địa, Địa Chất, Lái xe

Trong ba thằng ấy phải nghe thằng đầu"

 

Em thích lấy chồng cơ

Lấy chồng Trắc Địa lắm ước mơ

Thu cả giang sơn nên một tờ

 

Ngành Trắc địa Anh đi vào đo đạc

Đo những gì mà Tổ quốc cần đo

Nhưng E ơi Anh nào đâu đo được

Trái tim E độ rộng là bao nhiêu ?

 

Anh mang định vị cả toàn cầu

Nơi trái tim em là yếu nhất

Định vị đi rồi định vị lại

Tìm hoài mà mãi vẫn chẳng ra

 

Anh đo thủy chuẩn trái tim em

Nơi sâu thẳm không bao giờ đo được

Thiết kế tuyến đo đi rồi đo lại

Anh đo hoài mà không tìm được chiều sâu

 

Xin chân thành cảm ơn!

  • Vote tăng 1

Chia sẻ bài đăng này


Liên kết tới bài đăng
Chia sẻ trên các trang web khác
Em xin phép được bổ sung thêm mấy câu thơ về Trắc Địa

Cầm vàng còn sợ vàng rơi

Lấy chồng Trắc Địa đời đời ấm no!

2826713285_9390a69ee1_o.jpg

0822_153300.jpg

-Chào Bác Cựu,trưa nắng chầy chầy sao Bác không đút chân gầm bàn máy lạnh mà ra phơi nắng làm gì cho khổ ?

-Chúng Tôi cũng đi kiếm cơm Bác à..Chúc Bác ngày mai chỗ lờ đầy cá nhé

-Vâng Em cũng hy vọng thế Bác à

Sưu tầm

  • Vote tăng 1

Chia sẻ bài đăng này


Liên kết tới bài đăng
Chia sẻ trên các trang web khác

Chỗ này nhìn hình như là ở Tiên Du Bắc Ninh sao ý. Hi

Nếu ai đi làm mà cũng than khổ thì sướng ở chỗ nào đây.

Đừng khinh dân Trắc Địa 3 que 1 mắt

Mắt mở to anh đo trời đo đất

Mắt nhắm nghiền mơ một bóng hồng qua

Chia sẻ bài đăng này


Liên kết tới bài đăng
Chia sẻ trên các trang web khác

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để nhận xét

Bạn cần phải là một thành viên để lại một bình luận

Tạo tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Điều đó dễ mà.

Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn có sẵn sàng để tạo một tài khoản ? Đăng nhập tại đây.

Đăng nhập ngay

×